Việc làm tại các tổ chức phi chính phủ

Chào các bạn, hẳn là nhiều bạn đã từng nghe thấy từ phi chính phủ nhưng chưa rõ đó là gì cũng như những cơ hội việc làm trong ngành nghề này? Ngày hôm nay mình sẽ giới thiệu với các bạn về cơ hội việc làm trong ngành phi chính phủ, những lợi ích cũng như hạn chế khi bạn muốn làm việc trong ngành nghề này nhé. Mình đã làm trong ngành này gần 3 năm, thời gian tuy chưa nhiều nhưng do nhảy việc nhiều nên đã có cơ hội trải nghiệm ở nhiều tổ chức khác nhau nên hy vọng sẽ cung cấp cho các bạn nhiều thông tin hữu ích.viec-lam-phi-chinh-phu-2-ngoctun-com

  1. Tổ chức phi chính phủ là gì?

Nói một cách dễ hiểu thì tổ chức phi chính phủ là các đơn vị không thuộc bất cứ một chính phủ nào, hoạt động vì cộng đồng với mục đích nhân đạo nhằm hỗ trợ cộng đồng cải thiện sinh kế, cuộc sống ở nhiều mặt khác nhau (cái này các bạn google để tìm hiểu thêm nhé)

Các tổ chức phi chính phủ có thể xin quỹ (nguồn tài trợ) từ các tổ chức lớn hơn như các quỹ của World Bank, Bill & Melinda Gates Foundation, European Commission, IFAD, vv. Ngoài ra có thể xin từ các trường đại học hoặc bất cứ quỹ khác. Bình thường, các tổ chức nhỏ sẽ làm hồ sơ để xin nhận tài trợ từ các quỹ lớn và sau khi được phê duyệt thì các NGOs sẽ được rót tiền để chạy dự án của mình.

Một nguồn khác để nhận được quỹ là từ các nhà tài trợ cá nhân hoặc từ các doanh nghiệp. Ví dụ như một triệu phú đô la muốn tặng lại toàn bộ tài sản của ông ấy sau khi chết cho một tổ chức nào đó. Hoặc các doanh nghiệp muốn thể hiện trách nhiệm cộng đồng của mình với xã hội sẽ tài trợ tiền để thực hiện một hoạt động cộng đồng nào đó.

Ngoài ra, với các NGOs mới thành lập, chưa đủ danh tiếng hoặc mối quan hệ đễ xin quỹ từ các cách trên, sẽ dùng cách tự gây quỹ để phát triển tổ chức của mình. Các tổ chức này thường in ấn các loại quà tặng như áo phông, thiệp, post card và đi nhờ những nơi khác để bán giúp nhắm gây quỹ. Hoặc tổ chức các sự kiện ca nhạc cũng là một các thường được dung đến.

  1. Các loại tổ chức phi chính phủ

Tại Việt Nam, có thể chia ra 2 loại là: tổ chức phi chính phủ quốc tế và tổ chức phi chính phủ địa phương (Việt Nam).

– Tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs) là các tổ chức có trụ sở tại nước ngoài, sau đó xin hoạt động tại Việt Nam và mở văn phòng tại Việt Nam. Thông thường, tại mỗi nước sẽ có một country director (giám đốc quốc gia) là người nước ngoài hoặc người Việt Nam để quản lý các hoạt động của tổ chức đó tại Việt Nam. Mỗi tố chức sẽ có nhiều chương trình hoặc nhiều dự án khác nhau.

Nếu bạn có cơ hội làm việc cho INGOs, các bạn sẽ được hưởng những phúc lợi rất tốt như: đóng BHXH đúng luật Lao động, cụ thể là nếu lương bạn là 10tr, thì tổ chức sẽ đóng bảo hiểm cho bạn mức 10tr, chứ không như một số doanh nghiệp sẽ chỉ đóng cho bạn ở mức 3-4 triệu.

Ngoài BHXH, bạn có thể sẽ được mua thêm 1 gói bảo hiểm sức khoẻ riêng của Bảo Việt để được khám bệnh tại các bệnh viện quốc tế, thậm chí có một số tổ chức còn mua cả gói bảo hiểm này cho vợ con, bố mẹ bạn.

Số ngày nghỉ phép 1 năm: Theo luật lao động, bạn sẽ được nghỉ 12 ngày/ năm, nhưng tại các tổ chức phi chính phủ quốc tế, bạn sẽ được nghỉ từ 20 đến 22 ngày một năm. Ngoài ra, bạn sẽ được nghỉ thêm vào các ngày lễ theo quốc gia mà tổ chức của bạn có trụ sở, ví dụ, nếu là tổ chức của Mỹ, Anh thì sẽ được nghỉ thêm quốc khánh Mỹ/Anh, Lễ Tạ Ơn, Noel (1 hoặc 2 ngày), etc. Tính chung ra là được khoảng 5-7 ngày nữa. Tất cả các ngày này bạn sẽ vẫn được hưởng nguyên lương.

Thời gian làm việc: từ thứ 2 đến thứ 6. Đặc biệt là rất linh động, bạn sẽ không bị bắt buộc một ngày phải ngồi 8 tiếng tại văn phòng vì các tổ chức này coi trong hiệu quả công việc hơn là hiệu suất công việc.

– Tổ chức phi chính phủ địa phương (VNGOs) là tổ chức được thành lập tại Việt Nam và được đăng ký và chịu sự quản lý của VUSTA. Giám đốc củaVNGOs sẽ là người Việt Nam. Về các thức vận hành cũng giống INGOs.

Các tổ chức phi chính phủ cũng có thể được chia theo mảng hoạt động. Để tìm hiểu thêm, các bạn có thể tìm hiểu ở trang này: http://www.ngocentre.org.vn/ingodirectory

Tuy nhiên trên trang chỉ cập nhật thông tin của các INGO mà thôi.

Về phúc lợi, các bạn sẽ được hưởng các phúc lợi theo quy định của luật Lao Động Việt Nam về số ngày nghỉ phép, các ngày lễ được nghỉ them cũng giống như chế độ của công nhân viên chức.

  1. Các công việc trong tổ chức phi chính phủ

Tại các tổ chức phi chính phủ, sẽ có 2 nhóm việc chính cho các bạn làm.

Các công việc hành chính: admin văn phòng, cán bộ tài chính kế toán, bộ phận nhân sự, office helper, bảo vệ, etc.

Các công việc chuyên môn: Ví dụ tổ chức đó làm về lâm nghiệp thì sẽ có các dự án lâm nghiệp và sẽ cần những người có chuyên môn, bằng cấp ngành lâm nghiệp – đây được gọi là vị trí chuyên môn/kỹ thuật.

Các công việc có thể kế đến là: quản lý dự án (project manager), quản lý chương trình (program manager), các bộ dự án/chương trình (project/program officer), trợ lý dự án/chương trình (project/program assistant).

Về mức lương giữa INGOs và VNGOs chênh lệch nhau khá lớn.

Vị trí thực tập (intern) ở VNGOs được phụ cấp khoảng 50usd – 100usd, ở INGOs được tầm 130usd-230usd. Tuy nhiên cũng có nhiều chương trình intern không lương nhé.

Trợ lý dự án/chương trình: ở INGOs tầm 300-350usd trở lên. Ở VNGOs thấp nhất là khoảng 3tr5 (nói chung là tuỳ tổ chức).

Cán bộ dự án/chương trình: INGOs tầm 500usd đổ lên. VNGOs thấp nhất là 3tr5. Cũng có nhiều tổ chức Việt Nam nhưng trả lương hậu hĩnh hơn cả INGOs.

Quản lý: ở cả INGOs NGOs dao động vào khoảng 1000usd đổ lên.

Tất nhiên, yêu cầu về kinh nghiệm, khả năng, tiếng anh của INGOs thường cao hơn VNGOs. Các bạn có thể bắt đầu bằng VNGOs trước rồi sau đó chuyển dần sang INGOs.

Hầu hết các vị trí này được trả lương theo title, ví dụ bạn là assistant thì bạn sẽ chỉ được khoảng từ A đến B. Trong khoảng từ A đến B sẽ có nhiều bậc lương (dao động khoảng chục đến 2 chục đô thôi), nếu bạn đã có một số kinh nghiệm rồi thì lương của bạn sẽ không phải ở mức bắt đầu nhưng sẽ không thể được lương cao như vị trí officer được. Thường thì các tổ chức sẽ có quy định rõ ràng về lương như vậy. Tuy nhiên, cũng có thể có thay đổi, tuỳ thuộc vào budget dự án của bạn nhiều hay ít nữa.

Theo kinh nghiệm của mình, các NGOs thường có thang lương rõ ràng cho nhân viên. Tuy nhiên có một số lại làm theo kiểu doanh nghiệp là thương lượng lương. Và khi mà bạn lỡ mồm nói ra một mức quá thấp thì bạn tập xác định là lương bạn sẽ mãi thấp nhé. Vì khi tăng thì cũng tang được 10-30 đô chứ không ai tăng cho bạn đến 100 đô đâu. Mà theo kinh nghiệm của mình thì cũng không nên làm cho các tổ chức “chặt chém” như vậy. Vì khi họ “cò kè” mình vài đồng thì nghĩa là họ cũng không “value people”, không coi con người là nhân tố qua trọng thì có lẽ bạn sẽ không có tương lai tốt cũng như học được nhiều điều ở đây đâu.

  1. Làm thế nào để kiếm được công việc trong nghành phi chính phủ?

Ở tất cả các post tuyển dụng jobs phi chính phủ, nhà tuyển dụng để ưu tiên cho những người đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường phi chính phủ. Thậm chí các INGOs còn ghi rõ rằng ưu tiên ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường INGOs. Vậy nên, các bạn cần càng sớm càng tốt bước chân vào lĩnh vực NGO nếu thực sự thích ngày này. Cụ thể, Ngọc Tun có một vài lời khuyên như sau:

– Tham gia tình nguyện khi còn là sinh viên

– Nên bắt đầu từ vị trí intern vì nhiều tổ chức thường xem xét nếu intern làm tốt thì sẽ promote thành assistant. Tuy nhiên cũng có nhiều tổ chức chỉ muốn sử dụng “nhân lực giá rẻ”, thuê intern để tiết kiệm tiền nên không hy vọng nhiều. Anw, bạn vẫn sẽ học được nhiều điều khi làm một intern.

– Rèn luyện Ngoại ngữ tốt. Ngoại ngữ là vấn đề then chốt ở đây. NGOs không đòi hỏi bạn phải có chứng chỉ IELTS, có khi có chứng chỉ ietls bạn vẫn bị out vì không có kinh nghiệm đó. Bạn cần giao tiếp, đọc viết tiếng Anh (hoặc một ngoại ngữ nào đó) thuật thuần thục và trôi chảy.

– Kinh nghiệm cũng rất quan trọng. Nếu muốn làm chương trình cho tổ chức về lâm nghiệm/nông nghiệp/y tế công cộng, etc, thì các bạn cần tích luỹ dần kinh nghiệm từ các việc tình nguyện hoặc tham gia một vài vị trí nhỏ nhỏ ở các tổ chức nhỏ để học hỏi nhé. Vị trí kỹ thuật thường là làm việc trực tiếp dưới thực địa, đi thu thập số liệu, điều tra, etc. Những cái này không khó, nhưng nếu bạn không có kinh nghiệm thì sẽ không được nhận đâu.

– Thái độ tích cực. Môi trường NGOs rất thân thiện và không phải là môi trường ganh đua cho những người thích cọ sát. Đồng nghiệp đối xử với nhau rất supportive và nice. Vậy nên hãy xác định bạn sẽ được mọi người đối xử tử tế và cần đối xử tử tế với mọi người. Tránh chuyện vây cánh “đánh lộn” nhau nhé.

Các nguồn tìm việc:

http://www.ngocentre.org.vn/

http://vietnamworks.com

http://www.jobstreet.vn/

https://www.careerlink.vn/

https://www.facebook.com/vieclamphichinhphu/

https://www.facebook.com/jobsforngos/

  1. Nhược điểm khi làm việc tại tổ chức phi chính phủ

Nếu bạn thích những công việc liên quan đến cộng đồng. Thích cảm giác vừa mình vừa có một công việc và công việc đó giúp ích được những người khác thì làm việc trong lĩnh vực phi chính phủ là một sự lựa chọn tuyệt với cho bạn.

Tuy nhiên, công việc trong lĩnh vực này cũng có một số hạn chế như sau.

– Dễ bị mất việc: Nếu tổ chức của bạn đóng cửa ở Việt Nam, hoặc chương trình/dự án của bạn hết fund hoặc kết thúc thì bạn sẽ mất việc. Khi đó lại xách vali đi tìm việc mới. Mà tìm việc mới không phải tìm một cái là có ngay.

Với những người làm kỹ thuật thì tìm được việc mới thực sự khó khăn vì việc không phải lúc nào cũng sẵn. Và khi có thì không phải chỉ có mỗi mình mình apply vào mà phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác.

Với những người làm khối hành chính thì có vẻ dễ tìm hơn vì có thể làm ở tất cả các tổ chức, không kể tổ chức đó làm về lĩnh vực gì.

– Hay phải đi công tác: với những người làm kỹ thuật/chuyên môn thì việc đi công tác là cơm bữa. Đi công tác cũng khá thú vị vì được trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ. Có thể là đi công tác nội địa hoặc cả quốc tế nữa nên có thể vừa đi công tác vừa đi du lịch. Khi đi công tác thì sẽ được nhận per-diem như ở trong nước, một ngày tiền ăn từ 200k – 400k, ở nước ngoài thì 1 triệu – 2 triệu (ở các thành phố). Còn nếu bạn về các vùng nông thôn, miền núi, thì sẽ được trải nghiệm cuộc sống homestay cũng với người dân địa phương. Tuy nhiên, với nhiều người có gia đình, hoặc sức khoẻ không tốt thì cũng không phù hợp với yếu tố này.

– Làm việc dưới thực địa: làm việc trong NGOs có 2 hình thức, một là bạn sẽ làm việc tại văn phòng của tổ chức ở các thành phố lớn. Ngoài ra, sẽ cần một bộ phận làm việc tại các tỉnh huyện vùng sâu vùng xa mà tổ chức của bạn đang có dự án ở đó. Bạn có thể phải làm việc ở đó 1-2 năm. Nói chung là cơ sở vật chất thì không được như ở các thành phố. Bạn sẽ vẫn phải đi thuê nhà (nếu bạn không phải người dân ở đó).

– Lương thấp hơn so với cooperate và không có chuyện thưởng nóng nếu bạn làm thật tốt đâu. Ở môi trường doanh nghiệp, có thể tháng này bạn làm cực tốt và ngay lập tức sếp sẽ tăng lương cho bạn hoặc thưởng cho một cục tiền. Tuy nhiên, ở môi trường NGOs sẽ không có chuyện như vậy. Bạn làm tốt hơn tháng trước thì mức lương bạn nhận cũng chỉ như tháng trước mà thôi. Có một số tổ chức sẽ tăng lương theo thâm niên, tuy nhiên sẽ có một số chỉ tăng lương cho bạn khi khối lượng công việc của bạn tăng lên mà thôi.

  1. Tạm kết về việc làm phi chính phủ

Nói chung là hầu hết các NGOs đều như Ngọc Tun mô tả, tuy nhiên sẽ có một số trường hợp dở hơi như sếp/đồng nghiệp khác người, tổ chức hoạt động không quy củ, lương lậu, chế độ không rõ ràng, thậm chí là tổ chức hoạt động không minh bạch. Chính vì vậy, trước khi apply vào tổ chức nào, bạn nên tìm hiểu thật kỹ. Sẽ ok hơn nếu hỏi thăm được thông tin từ ai đó đã từng làm việc tại tổ chức đó. Và trong suốt quá trình tuyển dụng, hãy để ý xem họ có làm việc chuyên nghiệp không nhé. Phần thương lượng lương thì cũng phải luôn luôn tỉnh, vì người ta không hỏi cho có đâu mà là hỏi nghiêm túc đó!. Và nếu thấy tổ chức đó không ổn, thì dù có làm rồi cũng nên tìm dần việc khác nha.

Ngọc Tun nghĩ thông tin như thế này là OK rồi, nếu các bạn có thêm câu hỏi thì để ở phần comment, Ngọc Tun sẽ vào giải đáp, hoặc viết thành một post mới nhé.

Chúc các bạn luôn thành công!

From Ngoc & Tun with much love <3

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *