Tuổi thơ dưới tán cây bàng

Tuổi thơ của người Việt, dù sống ở nông thôn hay thành thị, hẳn ai cũng gắn với cây bàng. Cây bàng trong tuổi thơ của trẻ em Việt Nam hiện hữu từ bài văn miêu tả đến những “sinh hoạt cộng đồng” dưới tán cây tại trường học hay đâu đó gần nhà của chúng. 

tham-khao-nhung-bai-van-hay-mieu-ta-cay-bang-hinh-anh-2
Nguồn ảnh: internet

Tôi vẫn còn nhớ khi còn là học sinh cấp 1, có một loại văn “kinh điển” mà học sinh nào cũng phải học, đấy là văn miêu tả. Học sinh sẽ miêu tả đủ các thứ trên đời như chiếc bút bi, cặp sách, ngôi nhà, cánh đồng, loài cây, loài hoa, miêu tả mẹ, miêu tả cô giáo, trận bóng đá, vv và vv. Bài văn miêu tả đầu tiên của tôi là miêu tả chiếc cặp sách. Tôi khá tâm đắc với bài viết đó, nhưng điểm lại không cao. Vì cả bài văn tôi dùng duy nhất…một dấu chấm! Văn miêu tả thực sự là loại văn đáng học. Nhờ có thể loại văn này mà học sinh biết quan sát cuộc sống xung quanh mình và cảm thấy gắn kết hơn với mọi thứ. Nếu không phải làm văn, chắc tôi chả bao giờ để ý đến cấu tạo của chiếc bút, chất liệu của cái cặp và công dụng của chúng cũng như hiếm khi để ý mẹ mình hay cô giáo mình. Nhờ văn miêu tả mà giờ đây, dù đã gần 20 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ những gì mà hầu hết học sinh miêu tả cây bàng thân yêu.

Cây bàng từ trong bài văn ra ngoài đời không khác nhau là mấy. Thân cây dùng để leo, tán cây làm bóng mát, quả để ăn. Cách nhà tôi 4 nhà, có một cây bàng đại thụ sum suê, bóng mát của nó che phủ ngôi nhà nhỏ mà người chủ là ông Quyển dùng để bày chút hàng hoá, bánh kẹo, chè nước bán cho người làng. Vào những buổi trưa hè, bọn trẻ con từ lít nhít 6-7 tuổi đến những đứa đang học cấp 2 trốn bố mẹ không ngủ trưa chạy ra gốc bàng chơi. Cạnh gốc bàng là một cái bờ tường, những đứa lớn, to khoẻ sẽ leo lên tường ngồi để tiện với những quả bàng chín. Còn bọn nhỏ hơn thì chấp nhận đứng dưới hóng bàng rơi. Để hái bàng, không chỉ cần sức lực (để treo lên cành cây), cần tay để đứng trên bờ tường để với, và đặc biệt là cần que dài để chọc bàng.

Tất nhiên khi bàng rụng thì sẽ hơi dập dập một chút, nhưng vẫn ăn được! Quả bàng chín có màu vàng, ăn thơm thơm, hơi ngọt xen với chát, càng sát vào hạt thì ăn lại càng chua. Nếu không đủ may mắn để chọc được bàng chín thì chấp nhận ăn bàng xanh chấm muối ớt, cũng ngon lắm. Phía sau lớp xơ thô thô kia là hạt bàng, bên trong hạt bàng là nhân bàng. Tôi không biết dùng từ ngữ nào miêu tả mùi vị của nó, nhưng vị của nó rất giống với hạt hạnh nhân: bùi, thơm, béo.

Để lấy được nhân bàng, những đứa trẻ “bình dân” (như tôi) sẽ dùng gạch đập hạt bàng ra. Tất nhiên là khi lấy được nhân ra thì nó đã bị dập rồi. Nhưng không hiểu sao ngày đó cả lũ chúng tôi vẫn ăn trong sự sung sướng, hồ hởi với nhau. Còn những đứa “cao cấp” sẽ có hẳn búa để đập nhân. Chúng dựng đứng quả bàng, đặt trên một mặt phẳng và đập bằng búa. Nhờ thế mà hạt bàng còn nguy hình dạng và ăn cũng sạch sẽ hơn. Mấy “đồng chí cao cấp” tầm sinh năm 84, 85 mà tôi vẫn gọi bằng ông, khi đó chắc đang cuối cấp 2, giờ thì đã có vợ con hết rồi.

Nguồn ảnh: internet
Nguồn ảnh: internet

Dưới tán bàng, không chỉ là những quả bàng mà còn là những câu chuyện không có hồi kết của bọn trẻ con từ trêu đùa, chửi bậy lẫn nói xấu nhau. Các cô lớn hơn tôi (chắc sinh năm 87 đến 89) vẫn hay sờ tóc tôi và nói “tóc xoăn sau này khổ đấy!”. Tôi nghe cũng bực mình nhưng không thèm nói gì. Trong đội các bà cô 8x bao gồm cô Linh (Tươi), cô Vân (Mừng), cô Hường (Mận) và cô chị gái cô Thịnh (chết dở, lâu ngày không gặp nên tôi quên tên cô ấy rồi). Những cái tên trong ngoặc là tên bố (hoặc mẹ) các cô ấy nhé. Ở quê, chúng tôi hay gọi tên bạn mình +tên phụ huynh. Không hiểu là để dễ phân biệt những đứa cùng tên hay là để tếu táo cho vui nữa. Nhưng đại để là bình thường gọi như thế không sao, nhưng đến khi có gì căng thẳng với nhau mà gọi như thế thì chắc chắn sẽ “chiến” nhau ngay lập tức…

Trong 3 bà cô kia, tôi ghét cô Linh nhất. Cô ấy có họ với nhà tôi đấy, không nhớ rõ vì sao lại ghét cô ấy nữa. Hình như vì cô ấy hay chửi láo hoặc hay trêu tôi. Cơ mà tôi ghét hết lượt mấy đứa lớn. Vì mấy đứa lớn biết bày ra các trò chơi và tụi lít nhít chúng tôi sẽ phải nịnh họt và hùa vào với bọn nó thì mới được cho chơi cùng. Bọn nó hệt như bề trên còn chúng tôi là bọn người hầu hạ làm theo chỉ dẫn của bọn chúng. Và nếu để bọn nó phật ý thì sẽ chả có chỗ mà chơi. Khi đó tôi luôn ước mình lớn mau lên một chút và chắc chắn sẽ đối xử với bọn nhỏ hơn mình tử tế…

Quay lại với cô Linh. Cô Linh là con nhà bà Tươi, tên như thế nào người như thế đó vì cả 2 mẹ con đều hơi “tươi”. Tôi nhớ có lần sự căm ghét đã lên đến đỉnh điểm và tôi muốn trả thù cô ấy. Một chiều, tôi trốn vào cái nhà đang xây dở, cửa vẫn đang khoá của chú tôi ở bên cạnh nhà tôi (nhà mặt đường). Tôi đợi cô Linh đi qua và hét qua các khe cửa “Linh Tươi!”. Khi hét tôi cũng sợ lắm, run run và hét xong tôi im bặt, trốn vào một góc cửa để không ai biết là mình trốn ở đó và không ai biết âm thanh phát ra từ đó. Cô Linh nhìn ngườc nhìn xuôi nhưng không phát hiện ra âm thanh từ đâu ra nên đành ngậm ngùi đi về. Chứ nếu tìm ra được đứa nào vừa chửi cô hẳn cô sẽ véo tai, bẹo má cho một trận. Sau đó cô có gặp tôi, hỏi “cái Tòng Béo hôm nay chửi tao hả?”. Với vẻ mặt vô tội tôi đáp: “Cháu không biết”. Chắc cô nhận ra giọng tôi, nhưng không có bằng chứng thì đành chịu chứ biết làm sao. Tôi cảm thấy mình thật là may mắn.

Nhắc đến cây bàng chắc mọi người sẽ nhớ đến một loài vật tuổi thơ: con sâu róm. Mỗi độ hè về, khi chúng tôi miệt mài chọc bàng thì cũng là lúc đội quân sâu róm xuất hiện. Khi khủng nhất là bị bọn con trai chìa con sâu róm đang bò lổm ngổm trên lá bàng và dí vào chúng tôi. Không chỉ vì sâu róm đốt thì ngứa thôi rồi mà còn vì hình hài gớm ghiếc nhiều lông, nhiều chân và cái hình dạng khó ưa của bọn chúng. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu được tại sao bon con trai nhiều đứa dám liều lĩnh cầm con sâu róm để đi doạ bọn con gái…

Có lẽ từ khi bắt đầu học lên cấp 2, tôi bận rộn học hành để ôn thi vào cấp 3. Rồi lên cấp 3 lại tất bật ôn thi để đỗ đại học nên tôi không còn thời gian để nhặt và ăn bàng nữa. Cây bàng khi xưa cũng bị chặt, ông Quyển cũng đã qua đời, căn nhà nhỏ bị các con ông phá đi để xây nhà mới. Nhiều khi đi học bộ lên trường cấp 3, thấy nhiều quả bàng rơi trên phố mà không một đứa trẻ nào thèm mó vào. Tự hỏi bản thân do trẻ con trên này không thích ăn bàng hay do thế hệ sau tôi chục năm không còn hứng thú với món quà tuổi thơ này nữa.

Đến khi lên Hà Nội học đại học, nhìn thấy một cây bàng to, nhiều quả chín, kỷ niệm tuổi thơ sống dậy, tôi với trèo lên một bục gần đó, với tay hái bàng. Ăn thử, vẫn thấy rất ngon, và tôi như đang cầm “chiếc vé trở về với tuổi thơ”

Lê Ngọc

 

2 thoughts on “Tuổi thơ dưới tán cây bàng

  1. Адмокат-МОШЕННИЦА Шевцова Виктория Сергеевна (МКА «Рубикон» т.79055205584) для решения вопроса о разводе. Но её хваленый профессионализм подвел — адвокат не явилась на суд, а решение суда так и не пришло по почте уже в течение месяца. Более того, адвокат не выходит на связь уже целый месяц и не отвечает на звонки. МОШЕННИЦА Шевцова Виктория Сергеевна отличается низким качеством работы и отсутствием уважения к клиентам. Пришлось оформлять рассрочку по оплате за её услуги, но на самом деле она не выполнила свою работу в данном деле.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *